Dấu hiệu mẹ sắp mất sữa và cách gọi sữa về sau khi mất sữa
Mất sữa sau sinh luôn là nỗi lo của các mẹ bỉm khi nuôi con bằng sữa mẹ. Đặc biệt, mẹ bỉm càng lo lắng hay căng thẳng thì tình trạng mất sữa lại càng nghiêm trọng hơn. Nhận biết các dấu hiệu sắp mất sữa sẽ giúp mẹ bỉm chủ động, nhanh chóng có biện pháp điều chỉnh, ngăn ngừa nguy cơ mất sữa, thiếu sữa nuôi con.
Dưới đây là dấu hiệu mẹ sắp mất sữa và cách gọi sữa về sau khi mất sữa được tham vấn y khoa bởi bác sĩ Phan Thanh Dần. Cùng tham khảo để có thêm những thông tin hữu ích để đối phó với nguy cơ mất sữa, bạn nhé!
1 5 dấu hiệu mẹ sắp mất sữa thường gặp nhất
Dưới đây là 5 dấu hiệu mẹ sắp mất sữa phổ biến và thường gặp nhất:
1. Lượng sữa không tăng sau nhiều ngày
Trong những ngày đầu sau sinh, cơ thể mẹ chỉ tiết ra một lượng nhỏ sữa non có màu vàng đục, điều này hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu sau khoảng 1 tuần, lượng sữa không tăng lên so với những ngày đầu thì có thể là dấu hiệu mẹ đang ít sữa hay hoặc sắp mất sữa.
Lượng sữa không tăng sau nhiều ngày là một dấu hiệu mẹ sắp mất sữa
2. Bầu vú đột ngột xẹp xuống
Khi bầu vú của mẹ không còn căng và xẹp xuống đột ngột, đây có thể là dấu hiệu mẹ sắp mất sữa Cơ chế này thường xảy ra khi cơ thể mẹ không sản xuất đủ lượng sữa để duy trì sự căng và đầy của bầu vú.
Bầu vú căng tròn và cân đối là một dấu hiệu có đủ sữa để cung cấp cho bé khi bú. Khi sản lượng sữa giảm, bầu vú có thể mất đi sự đầy đặn và có thể dẫn đến việc ngực xẹp xuống. Điều này cũng có thể là kết quả của sự giãn nở ban đầu của mô vú do sản xuất sữa giảm xuống.
3. Lượng sữa ít dần hoặc đột ngột ít hơn bình thường
Một trong những dấu hiệu mẹ sắp mất sữa rõ ràng nhất là lượng sữa ít dầu hoặc đột ngột ít hơn bình thường. Điều này có thể thể hiện qua việc mẹ không thể vắt được nhiều sữa ra hoặc chỉ có thể thu được một lượng sữa rất ít mặc dù đã cố gắng vắt sữa vào các thời điểm khác nhau.
Lượng sữa ít dần hoặc đột ngột ít hơn bình thường
4. Sữa không thông, bầu ngực đau tức
Dấu hiệu mẹ sắp mất sữa có thể bao gồm những biểu hiện như vùng ngực sườn cảm thấy đầy và chướng, đau tức và không muốn ăn. Đôi khi có thể xuất hiện các triệu chứng như phát sốt, tinh thần căng thẳng, bực bội, khó chịu và lưỡi có thể đóng bã vàng mỏng.
Sữa mẹ được hình thành từ các nang sữa, sau đó lưu thông qua các ống dẫn đến khoang chứa sau bầu vú. Nếu các ống dẫn bị bít lại hoặc hẹp đi do nhiều lý do khác nhau, có thể dẫn đến hiện tượng sữa đông kết trong ống dẫn, làm cho sữa không thể chảy ra. Đây là một vấn đề lớn đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ vì nó ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và cung cấp sữa cho bé.
5. Không có cảm giác ngứa, bứt rứt ở ngực
Không có cảm giác ngứa, bứt rứt ở ngực sau khi cho con bú cũng là một dấu hiệu cho thấy mẹ sắp mất sữa. Thông thường, sau khi cho con bú, mẹ sẽ có cảm giác ngứa và bứt rứt như có kim châm ở đầu vú. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi sữa nhiều khiến ngực mẹ căng, và lượng sữa tiết ra gây ra cảm giác ngứa ở núm vú. Tuy nhiên, nếu mẹ không còn cảm giác này, điều đó có thể chỉ ra rằng lượng sữa mẹ đã giảm. Đây là một dấu hiệu quan trọng cho thấy lượng sữa đang giảm, nguy cơ mất sữa cao, cần phải theo dõi và điều chỉnh kịp thời để đảm bảo bé được cung cấp đủ dinh dưỡng.
Không có cảm giác ngứa, bứt rứt ở ngực
2 Nguyên nhân gây mất sữa
Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ mất sữa, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến và thường gặp nhất:
Không cho con bú thường xuyên
Khi mẹ sử dụng sữa công thức quá nhiều hoặc không cho con bú mẹ đều đặn, bầu sữa sẽ không được kích thích, dẫn đến giảm lượng sữa và có thể gây mất sữa hoàn toàn.
Sản xuất sữa bắt đầu từ giai đoạn thai kỳ với sự gia tăng nồng độ hormone prolactin. Nếu mẹ ngừng cho con bú hoặc không hút sữa, nồng độ prolactin sẽ giảm và quá trình sản xuất sữa sẽ ngừng.
Không cho con bú thường xuyên làm tăng nguy cơ mất sữa
Thiếu nghỉ ngơi và chăm sóc sau sinh
Sau sinh, mẹ cần thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi. Thiếu nghỉ ngơi có thể gây căng thẳng và stress kéo dài, làm giảm lượng sữa mẹ.
Mất ngủ và mệt mỏi sau sinh có thể dẫn đến trầm cảm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và quá trình tiết sữa.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng giúp cơ thể mẹ phục hồi nhanh chóng và tạo sữa tốt.
Nếu chế độ dinh dưỡng thiếu hụt, không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cần thiết, cơ thể mẹ sẽ suy nhược và giảm khả năng sản xuất sữa.
Bệnh lý liên quan đến tuyến vú
Các bệnh như viêm vú, áp xe vú hoặc phẫu thuật ngực có thể cản trở quá trình tiết sữa.
Rối loạn nội tiết, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hormone prolactin và oxytocin, có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa.
Uống ít nước
Sữa mẹ chủ yếu là nước. Nếu mẹ không uống đủ nước, có thể gặp tình trạng ít sữa và lâu ngày dẫn đến mất sữa.
Các nguyên nhân khác
- Sử dụng thuốc có thể ảnh hưởng đến sản xuất sữa.
- Thiếu máu cũng là một yếu tố cản trở việc tạo sữa.
- Sinh non hoặc sinh mổ có thể làm chậm quá trình tiết sữa so với sinh thường.
- Thiếu kinh nghiệm trong việc cho con bú và sử dụng máy hút sữa không đúng cách cũng có thể dẫn đến mất sữa.
3 Cách gọi sữa về sau khi mất sữa
Nếu các mẹ bỉm đang gặp phải tình trạng bị tắc sữa hoặc mất sữa, dưới đây là 8 cách gọi sữa về hiệu quả:
1. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng
Sau khi sinh, việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng là vô cùng quan trọng để mẹ nhanh chóng hồi phục sức khỏe và tăng tiết sữa. Mẹ nên bổ sung các thực phẩm lợi sữa vào thực đơn hàng ngày như:
- Thịt động vật: thịt lợn, thịt bò, trứng, cá.
- Rau củ quả: rau ngót, quả sung, đu đủ xanh, mướp, khoai lang.
- Trái cây: vú sữa, bưởi, hồng xiêm, na.
Ngoài ra, mẹ cũng cần uống nhiều nước, khoảng 2-3 lít mỗi ngày, bao gồm nước lọc, sữa, canh, súp và nước ép hoa quả để hỗ trợ quá trình sản xuất sữa.
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng giúp gọi sữa về sau khi mất sữa
2. Massage ngực trước cữ bú
Massage ngực nhẹ nhàng trước khi cho con bú hoặc hút sữa là cách hiệu quả để kích thích sữa về. Mẹ có thể dùng một tay nâng ngực, tay còn lại xoa nhẹ nhàng quanh bầu vú theo chiều kim đồng hồ khoảng 20 - 30 lần.
3. Chườm nóng ngực
Chườm nóng ngực trước khi cho con bú hoặc hút sữa cũng là một cách hiệu quả để gọi sữa về. Mẹ có thể dùng khăn xô thấm nước nóng chườm quanh bầu ngực hoặc dùng chai thủy tinh đựng nước nóng lăn quanh ngực. Ngoài ra, mẹ có thể nướng vài củ hành, bọc vào khăn và chườm quanh ngực.
4. Cho con bú đúng và đủ cữ
Động tác bú của bé là một cách kích thích sữa về hiệu quả. Mẹ nên cho bé bú nhiều hơn và lâu hơn để cơ thể sản xuất thêm sữa. Nếu bé không chịu bú hoặc bú ít, mẹ có thể dùng máy hút sữa để kích thích tuyến sữa. Mẹ nên cho bé bú hoặc hút sữa đều đặn mỗi 2-3 giờ/lần.
Cho con bú đúng và đủ cữ để gọi sữa về
5. Giữ tinh thần thoải mái
Tinh thần thoải mái, lạc quan, vui vẻ là yếu tố quan trọng giúp mẹ duy trì và tăng tiết sữa. Mẹ nên tin tưởng rằng mình có đủ sữa cho bé và tránh căng thẳng, lo lắng.
6. Kích sữa bằng máy hút sữa
Sử dụng máy hút sữa đúng cách và đúng cữ sẽ giúp cơ thể tiết sữa đều đặn, đảm bảo đủ sữa cho bé và ngăn ngừa tình trạng mất sữa. Mẹ nên thực hiện việc hút sữa đều đặn mỗi 2-3 giờ/lần.
7. Sử dụng sản phẩm lợi sữa
Mẹ có thể sử dụng các sản phẩm lợi sữa tự nhiên để kích thích sản xuất sữa như chè vằng, nước đỗ đen rang, nước gạo lứt rang. Những thức uống này dễ làm, an toàn và có thể thay thế nước lọc hàng ngày.
8. Tìm kiếm sự hỗ trợ
Nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà không thấy hiệu quả, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
4 Cách phòng ngừa mất sữa sau sinh
Dưới đây là 6 cách phòng ngừa mất sữa sau sinh mà mẹ có thể tham khảo:
- Cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt giúp kích thích tuyến sữa hoạt động và bé nhận được dòng sữa non giàu chất dinh dưỡng. Nên cho bé bú trong vòng 1 giờ đầu tiên sau khi sinh.
- Cho bé bú thường xuyên và đúng cách, bé càng bú nhiều thì sự kích thích cho tuyến sữa càng mạnh mẽ. Mẹ nên cho bé bú đều cả hai bên ngực để đảm bảo sản xuất sữa cân bằng ở cả hai bên ngực.
- Tránh lạm dụng sữa công thức quá sớm, chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết để không làm giảm nhu cầu bú của bé và kích thích sản xuất sữa mẹ.
- Mẹ cần có thời gian nghỉ ngơi đủ để giảm căng thẳng và mệt mỏi, vì các yếu tố này có thể gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa.
- Bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết như protein, vitamin, khoáng chất và chất béo lành mạnh từ các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng để tối ưu hóa sản xuất sữa.
- Khi không thể cho bé bú trực tiếp, mẹ nên vắt sữa bằng tay hoặc sử dụng máy hút sữa để duy trì cơ chế tạo sữa ổn định.
Cho bé bú thường xuyên và đúng cách để ngăn mất sữa
Trên đây là những dấu hiệu mẹ sắp mất sữa và cách gọi sữa về sau khi mất sữa được tham vấn y khoa bởi bác sĩ Phan Thanh Dần. Mong rằng với những chia sẻ trong bài viết, các mẹ đã có thêm những thông tin hữu ích trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, nhanh chóng nhận biết dấu hiệu sắp mất sữa và có biện pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo lượng sữa nuôi con.
Hình ảnh thực tế từ khách hàng
Trả lời Nhận xét này hữu ích với bạn? Cảm ơn (0)